Vở kịch trình bày bởi công ty South Coast Repertory ở Quận Cam, Nam Cali năm 2014.

Tại đại học Pepperdine, chương trình các tác phẩm kinh điển tức Great Books hiện giờ có bốn lớp kinh điển phương Tây, một lớp về kinh điển phương Đông, và một vài lớp kinh điển đặc biệt cho phụ ngành Kinh Điển (Great Books minor).  Trong lớp đầu, học sinh đọc sách cổ từ văn hóa Hy Lạp và La Mã ngày xưa. Tiêu biểu là những hùng ca của thi sĩ Homer và Virgil, triết lý của Plato và Aristotle, bi kịch của Sophocles hay Euripides, rồi có thể cộng thêm tiểu sử vua chúa từ sử gia Plutarch hay Suetonius. Lớp thứ nhì về thời Ki Tô Giáo, nên chú trọng những tác giả đạo Ki Tô như Thánh Augustine, đại thi sĩ Dante, và nhà cải cách Tin Lành Martin Luther. Ngoài ra còn có vài tác phẩm tiêu biểu thời Phục Hưng bên Âu Châu (Renaissance), nhất là nhà lý thuyết chính trị Machiavelli, rồi một hay hai vở kịch của ông Shakespeare. Trong mỗi lớp, học sinh đọc, thảo luận, và viết luận văn về nhiều loại kinh điển khác nhau: văn chương, đạo đức học, chính trị học, thần học, sử học, v.v.  

Đến lớp thứ ba thì học sinh học tập những tác phẩm chọn lọc từ giữa thế kỷ 17 tới đầu thế kỷ 19. Tiêu biểu cho lớp này là thi sĩ John Milton; một tiểu thuyết của Jane Austen hay tác giả người Anh khác; cũng như những nhà triết học như Descartes, John Locke, Immanuel Kant, và Jean-Jacques Rousseau: người cuối cùng cũng được đặt tên cho trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Ngoài ra, mỗi giáo sư có thể thêm một hay hai quyển tự chọn. Vì lâu năm yêu thích kịch tác gia Molière (1622-1673), người viết thường bắt đầu lớp Kinh Điển 3 (Great Books III) với hài kịch Lão Lừa Tartuffe

Trình diễn lần đầu năm 1664, Lão Lừa Tartuffe được đánh giá là một trong hai tuyệt phẩm hay nhất của Molière. Hài kịch thứ hai theo sau Tartuffe hai năm sau, là Le Misanthrope: dịch theo nghĩa sát là Gã Ghét Người nhưng đúng theo ý kịch hơn là Gã Chán Người hay Gã Chán Đời. Molière viết nhiều hài kịch khác, kể cả vở Le Malade Imaginaire mà một thế kỷ trước đây ông Nguyễn Văn Vĩnh có dịch ra tiếng Việt là Người Bịnh Tưởng, rồi được trình bầy tại Hà Nội trong thời Pháp thuộc năm 1920.  Trong thập niên qua, có một hai tác phẩm được trình diễn tại Việt Nam, nhưng chưa có Lão Lừa Tartuffe. Còn tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây thì hài kịch này cũng như Gã Chán Đời rất phổ thông, thường được trình diễn ở các rạp kịch chuyên môn cũng như các trường đại học.

Tình tiết câu chuyện

Cốt chuyện Lão Lừa Tartuffe ra sao? Tại Paris khoảng giữa thế kỷ thứ 17, có gia đình ông Orgon trưởng giả giầu có, sống tại căn nhà to lớn mà cũng là địa điểm cho mọi màn mọi cảnh trong kịch. Orgon có hai người con: con trai là anh Damis và con gái cô Mariane.  Con trai thì hơi hơi nóng tính; con gái có lúc quá hiền đi. Mẹ Damis và Mariane đã qua đời; bây giờ Orgon có vợ sau tên Elmire, vừa xinh vừa trẻ hơn ông nhiều tuổi. Hai người không có con, hoặc là chưa có: điều này không quan trọng với câu chuyện. Trong nhà còn có cô hầu việc tên Dorine, miệng lưỡi lanh lẹ hoạt bát, dù là tớ nhưng có lúc nói chuyện thẳng thừng với bố con chủ nhà, không sợ không ngại họ nghĩ gì về mình.

Ngoài những người sống trong nhà còn có ba nhân vật hay ghé thăm. Thứ nhất là ông Cléante anh ruột cô Elmire. Cléante tính tình điềm đạm, lý luận cứng cáp, tượng trưng cho lối sống theo cao lý trí và ít con tim. Người thứ hai là anh chàng Valère, tình nhân của cô Mariane, mà cũng được bố Mariane hứa gả cưới sau này. Người cuối cùng là mẹ Orgon cũng như bà nội Damis và Mariane, là phu nhân Pernelle. 

Chưa hết, còn nhân vật cuối cùng trường hợp đặc biệt, là lão lừa gạt Tartuffe. Orgon gặp hắn tại nhà thờ vào một thời gian không lâu trước khi kịch bản mở màn. Tartuffe là người đạo đức giả, vờ vịt sùng đạo, thánh thiện, ăn chay, cầu nguyện với Chúa, sống rất đơn giản, không mê trần thế. Lão mê muội Orgon vừa mau vừa mạnh, được người trưởng giả kéo về nhà mình sống, được hầu hạ chu đáo.    

Hài kịch có tất cả năm màn, khi màn một bắt đầu thì lão Tartuffe đã sống tại nhà Orgon một thời gian ngắn. Hắn không những thành công mê muội Orgon mà còn khéo léo được lòng bà Pernelle mẹ Orgon nữa. Vì hai mẹ con có vai vế lớn nhất, Tartuffe đã thành công trong mánh khóe bước đầu. Ngược lại, không có ai tin lão hết, mà nghi ngờ hay tỏ thái độ ghét lão ra mặt.  

Nhiều người cũng bực mình với Orgon vì ông quý trọng lão quá xá. Trong hai màn đầu, Dorine và Cléante thay phiên nhau thuyết phục Orgon. Nhưng không những họ chẳng lay chuyển ý tưởng Orgon được gì, mà chủ nhà còn ôm ấp trọng vọng Tartuffe hơn trước. Trọng vọng đến nỗi khi tới màn ba, Orgon có hai quyết định vừa đột ngột vừa to lớn. Thứ nhất, ông rút gia sản tính cho con trai Damis. Thứ nhì, ông ép con gái Mariane bỏ tình nhân Valère để lấy Tartuffe.  Cô Mariane nài nỉ cha không xong nên nghĩ chắc phải đành lấy Tartuffe mà thôi.

Đó là màn hai; đến màn ba còn thêm lộn xộn trong nhà Orgon. Ông ta ép con gái lấy Tartuffe đã đành. Khi con trai Damis lên tiếng tố cáo lão lừa hay ong bướm với cô Elmire vợ Orgon, ông bố không những không tin con mình, mà còn la anh và nói sẽ cắt di sản để cho Tartuffe. 

Nhưng qua màn bốn thì tình hình thay đổi vừa nhanh vừa nhiều. Dù Tartuffe cao tay ấn lừa người, nhưng dù sao đi nữa lão không là thần thánh mà vẫn là con người với ít nhất một nhược điểm. Nhược điểm đó là từ khi đến nhà Orgon sống, lão say mê cô Elmire vợ sau của chủ nhà. Trong màn ba, cô Elmire giả vờ thân thiện với Tartuffe khi hắn ca tụng cô và tỏ tình nồng nàn. Qua màn bốn, cô thuyết phục chồng nằm trốn dưới bàn khi cô tiếp chuyện Tartuffe. Khi lão tán tỉnh lần nữa với lời lẽ ong bướm, cô giả vờ ưng ý làm lão hăng say tán tỉnh thêm. Lão càng tán tỉnh thì Orgon nằm nghe càng bực mình giận dữ. Đến lúc cuối màn bốn thì Orgon xuất hiện trước mặt Tartuffe và tống cổ lão ra khỏi nhà.

Đạo đức giả lão lừa Tartuffe

Nhưng câu chuyện đến đây vẫn chưa hết, vì trong màn cuối Tartuffe trở lại gia thất Orgon một lần nữa. Lý do là trước đây Orgon có tín nhiệm Tartuffe đến nỗi trao các văn thư nhà cửa cho lão, nên bây giờ trên pháp luật, lão là chủ hết căn nhà và tài sản.  Lão mang cảnh sát đến đuổi Orgon và mọi người ra khỏi nhà. Nhưng đến gần cuối kịch, thì cảnh sát được lịnh vua đến còng tay Tartuffe vì tội gian lận lừa đảo. Orgon được hồi phục mọi tài sản, và câu chuyện chấm dứt với ông chấp thuận lại cho con gái lấy anh Valère.  

Trong giới phê bình xưa tới nay, phần lớn đồng ý là kết thúc của vở kịch không cao lắm về giá trị vì Molière phải bỏ vua vào giải tỏa lừa gạt của Tartuffe. Nhưng cũng có một số nhà phê bình thông cảm vì hài kịch cần giải pháp vui vẻ. Có ý kiến khác nó rằng kết thúc này thể hiện cho chế độ tuyệt đối quân chủ – tiếng Anh gọi là monarchical absolutism – trong thời đại Molière. Giá trị kết cục không hoàn hảo lắm, nhưng cũng không phải là vô lý do.

Nếu bỏ phần kết thúc ra thì giới phê bình đều công nhận hài kịch là một tuyệt tác. Một lý do chính là kịch thể hiện và minh họa cho đề tài gian lận gian dối, nhất là gian dối bằng dụng cụ tôn giáo phổ thông. Thời đại Molière là thời đại chuyển tiếp quan trọng trong lịch sử phương Tây. Đây là thời đại của những nhà khoa học và triết học cấp tiến bên Âu Châu như Galileo,  Francis Bacon, và René Descartes. Họ không là người vô thần, vì hồi đó gần như không có ai vô thần cả. Nhưng nghiên cứu và suy tưởng của họ hướng về lối khoa học hiện đại, bớt ảnh hưởng Ki Tô Giáo, Kinh Thánh, cũng như giáo điều của Giáo Hội Công Giáo hay Tin Lành. Tuy nhiên, có ai phê bình tôn giáo đều phải cẩn thận là vì Ki Tô Giáo, nhất là giáo hội Công Giáo, còn rất nhiều quyền bính chính trị cũng như văn hóa và xã hội. Ngoài ra, ngay trong giáo hội Công Giáo Âu Châu bấy giờ có nhiều nhóm bất đồng chính kiến, nên kiểm duyệt tôn giáo trong nghệ thuật cũng rất cao. 

Thật vậy, mặc dù Molière nổi tiếng viết và đóng kịch, khi ra Lão Lừa Tartuffe lần đầu, ông phải khốn đốn vì hàng giáo sĩ Công Giáo không hài lòng về nhân vật Tartuffe, nhất là đức tổng giám mục Paris. Họ phàn nàn với vua Louis thứ 14, làm vua kiểm duyệt kịch và còn cấm diễn trong một thời gian. Còn Molière thì khẳng định là ông không có đả phá đạo Công Giáo mà là đả phá những kẻ giả đạo đức dùng tôn giáo lừa gạt người khác. Đa số phê bình gia nhận xét là Molière thành công trong tạo dựng nhân vật Tartuffe.

Một xuất sắc đáng kể của Molière là mặc dù cho tên lão lừa làm tên kịch, ông đợi đến gần nửa vở kịch, tới cảnh hai của màn ba, mới ra mặt Tartuffe trên sân khấu. Nhưng trong hai màn đầu, các nhân vật nói rất nhiều về Tartuffe, nên khi gặp mặt lão lừa, khán giả đã biết về lão ta rất nhiều. Qua những câu chuyện về lão, nhất là qua cãi nhau giữa Orgon và Pernelle một bên và những nhân vật khác một bên, khán giả thấy được nhiều phức tạp gây ra từ gian dối của một người.    

Thí dụ như bà Pernelle chẳng hạn, người lên tiếng đầu tiên trong kịch khi rời nhà Orgon, theo sau có năm nhân vật khác. Bà bực mình với tất cả năm người vì họ không đồng ý với bà về lão Tartuffe. Trong cảnh mở mành, bà Pernelle cắt lời không cho họ nói, và giận dữ gán cho mỗi người một hai từ ngữ xấu. Bà gọi Dorine “bảnh quá” dù cô chỉ là đầy tớ. Bà nói cháu trai Damis “càng ngày càng dại” và cháu gái Mariane “giấu giếm” chứ không thành thật với cha cô. Con dâu Elmire thì bà phàn nàn là xài nhiều tiền, mặc quần áo mắc tiền, và mời hàng xóm qua chơi quá nhiều.  Ngay cả ông Cléante anh ruột con dâu, bà quý trọng ông nhưng cũng gọi ông trần tục chứ không thánh thiện như Tartuffe. Nghĩa là một khi bà tin vào lão Tartuffe, thì bà dùng Tartuffe để đánh giá mọi người. Bà Pernelle có mặt trong cảnh một của màn một, rồi đến màn cuối mới xuất hiện lại. Tức là bà chỉ làm nhân vật phụ thôi. Nhưng dưới bàn tay nghệ thuật của Molière, đối chiếu giữa bà và năm nhân vật khác cho ta thấy rõ những xáo trộn đời sống mà lão lừa Tartuffe gây ra.

Tartuffe lừa được Orgon nhưng lại mê muội vợ Orgon là cô Elmire nên bị gặt lại. Hình ảnh từ trang mạng của South Coast Repertory tại Quận Cam, Nam Cali năm 2014.

Một thí dụ khác là tình mê say của lão Tartuffe đối với cô Elmire. Trong màn một, cô Dorine có nhắc là khi Elmire bị cảm, lão hay xun xoe đến thăm hỏi cô. Qua màn ba thì rõ ràng là lão mê muội khi tán tỉnh Elmire, tạo cho cô một điều kiện để giúp Orgon sáng tỏ về lão. Nhưng trước khi Orgon biết, thì ông nghe anh con trai Damis tố cáo thói dê của lão. Tuy nhiên, anh ta chỉ làm ông bố bực thêm, đến nỗi ông nói không để lại anh tài sản gì hết. Nghệ thuật lập cảnh của Molière rất điêu luyện, vừa cho ta thấy bản chất của Tartuffe, vừa cho ta thấy những tranh chấp trong gia đình Orgon. Chỉ có một người thôi, mà làm đau điếng gia đình họ. 

Một thí dụ nữa là Orgon: ông tin Tartuffe quá nhiều, đến nỗi khi biết sự thật thì ông cũng lỡ giao cho lão giấy tờ quan trọng. Một khi vào trong gia đình Orgon, lão lừa có mục đích từ từ lấy hết tài sản của Orgon. Chút xíu nữa là lão thành công, mà nếu thành công thì chắc là gia đình Orgon sẽ tan nát. Molière làm ta cười, nhưng cũng làm ta sợ những kẻ gạt lừa cao tay ấn như Tartuffe. Dối gian thế giới có nhiều nên chúng ta cảnh giác không bị mắc lừa. Nhưng lâu lâu cũng có người lừa đảo cao siêu, khi lọt vào tay họ thì khó mà thoát ra.

Con người độc đoán Orgon

Nhất là khi người mạo danh tôn giáo lừa gạt tiền bạc người khác. Thật vậy, nhân vật Tartuffe có bốn thế kỷ rưỡi rồi, nhưng dĩ nhiên loại người lừa gạt thời đại nào cũng có.  Về người Việt chúng ta, chẳng hạn, trong mấy năm qua người viết nghe vài câu chuyện về người này người kia, ở Việt Nam hay hải ngoại, mang danh nghĩa tôn giáo Công Giáo hay Phật Giáo ra xin tiền để giúp người nghèo bên Việt Nam, hay nhưng thực ra là cho vào túi mình. Vì bản chất thiêng liêng của tôn giáo, người sùng đạo có nhiều lòng từ thiện, nhưng cũng phải cẩn thận vì có người lợi dụng tôn giáo như lão lừa Tartuffe. Và một khi biết được bản chất kẻ lừa, chúng ta có thể quay ngược lại dùng pháp lý để tra tố người lừa đảo. Đó cũng là một ý tưởng của Molière, dùng cái cười để giúp chúng ta hiểu được tình hình cũng như giải pháp cho vấn đề.

Ngoài đạo đức giả và lừa gạt của Tartuffe, hài kịch còn đề tài độc đoán của chủ nhà Orgon. Đề tài này cũng là một nghệ thuật của Molière, là vì nhìn qua tên kịch, chúng ta nghĩ Tartuffe là nhân vật chính. Nhưng khi nhìn kỹ lại, thì thật ra Orgon mới là nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện.

Tại sao Orgon là nhân vật quan trọng nhất, chứ không phải Tartuffe? Một lý do là con người Tartuffe vẫn y vậy từ đầu chuyện đến cuối chuyện. Dù lão lúc được trọng vọng lúc bị thảm thương, con người xấu xí cũa lão vẫn y vậy từ đầu chuyện đến cuối chuyện, không gì thay đổi. Còn Orgon ít nhất thay đổi hai lần. Trước khi gặp Tartuffe, ông có những lo âu tinh thần, nhưng nói chung là người đàng hoàng. Nhưng khi gặp Tartuffe thì ông mê muội lão vô cùng: thay đổi thứ nhất. Còn thay đổi thứ nhì xảy ra trong màn bốn kịch, khi khéo léo của Elmire giúp ông biết được bản chất giả dối của lão lừa. Trong hài kịch này, không ai thay đổi to tác bằng trưởng giả Orgon cả.

Nhưng tại sao Orgon mê muội Tartuffe dữ vậy? Câu hỏi này không dễ trả lời vì Molière không cho ta biết lý do rõ ràng trong kịch. Mọi người trong và ngoài nhà Orgon không ai biết, mà ngay cả cô đầy tớ lanh lẹ Dorine cũng không hiểu vì sao ông chủ bị Tartuffe gạt mau như thế. Trong màn một, cô nói là trước đó Orgon phục vụ nhà vua một lối “khôn ngoan” và “trung thành”. Nhưng không biết vì sao từ lúc gặp Tartuffe, ông như bị “bỏ bùa” coi lão như anh em ruột thịt và yêu mến lão còn “hơn me, con, và vợ mình”. Đây là một đề tài bàn thảo quan trọng cho câu chuyện, và trong lớp người viết luôn mang ra để học sinh thảo luận. 

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần chuyển suy tưởng từ những gì Orgon nói và hành động với Tartuffe, mà quan sát và suy luận lối nói và hành động của Orgon đến những người khác. Nếu để ý kỹ, khán giả sẽ thấy Orgon vừa độc đoán với hai con mình vừa khó chịu với bất cứ người nào không đồng ý với mình. Thi sĩ Richard Wilbur, dịch giả hài kịch này qua tiếng Anh hay nhất, có từng nhận xét rằng ai cũng thấy Tartuffe lợi dụng Orgon, nhưng ngược lại Orgon cũng “sử dụng” Tartuffe như một công cụ để ông độc đoán với gia đình mình.

Một khi Orgon mang Tartuffe về nhà tôn thờ như ông thánh, ông luôn mang thánh thiện Tartuffe để biện hộ cho quyền bính và quyết định của mình. Ông bất chấp mọi người cho ông sai lầm, quá đáng. Đã có thánh sống Tartuffe bên cạnh trong nhà thì không ai được phép bất đồng với ông.  

Trong màn hai cho ta thấy rõ ràng tính độc đoán khi ông bắt Mariane không được quen anh Valère nữa mà phải chuẩn bị hôn nhân với Tartuffe. Ông nhận xét như sau:

Hồi trước cha có hứa gả con cho thằng Valère,
Nhưng giờ tao nghe nói nó hay bài bạc…
Mà còn ít đi nhà thờ nữa…
Còn Tartuffe, anh ta là hồng phúc bên Trên…
Hôn nhân với anh sẽ cho con hạnh phúc vô cùng.

Mariane và nhất là cô hầu Dorine phản lại là không có bằng chứng đúng về Valère, nhưng Orgon mặc kệ không nghe. Con gái càng bất bình thì ông càng độc đoán, đến nỗi cô phải gạt lệ chấp nhận.  

Orgon cũng độc đoán với con trai mình, nhưng khác lối với con gái. Khi Damis lên tiếng nghi vấn đạo đức Tartuffe trước mặt lão, Orgon không những cho là anh nói láo và anh xin lỗi Tartuffe, mà còn đuổi anh ra khỏi nhà và cắt di sản sau này. Ông cũng khó chịu với Dorine. Mặc dù nể cô lanh lẹ được việc, ông cũng không ưa lối đối thoại của cô khi bất đồng ý kiến.  Mặc dù cô làm cho gia đình lâu, ông hai gọi cô là “con ở,” “con hầu,” hay “con này,” như có ý là cô phải biết thân biết phận, phải nghe lời ông.  Trong màn hai, chẳng hạn, ông la cô:

Im lại,
Con hầu này, ăn nói tự do quá!
Mày quên tao là ông chủ rồi sao? 

Với những bằng chứng tương tự, chúng ta có thể cho là thế giới của Orgon có nhiều thay đổi, làm ông lúng túng cảm thấy mất mát. Ông đang già đi: mất tuổi trẻ. Ông đang chậm lại: mất vui tươi. Quan trọng nhất, ông cảm mất đi quyền hành có hồi trước. Tâm lý Orgon có chút hoang mang trong xã hội biến chuyển. Ông chưa hợp với thay đổi của thời đại, còn muốn ôm chặt lại xã hội và lối sống hồi trước. Khi gặp Tartuffe, thâm tâm ông như thấy một dụng cụ giúp mình lấy lại một phần quyền năng trong thay đổi xã hội. Chúng ta không hoàn toàn biết được tại sao Orgon mê man Tartuffe mau vậy. Nhưng chúng ta có thể đoán một khía cạnh về ông qua cư xử độc đoán với gia đình ông.

Ngược lại, như ta thấy trong cảnh cuối, Orgon chấp nhận cho con gái và Valère lấy nhau.  Một phần, ông là người biết điều. Nhưng phần lớn là kinh nghiệm vừa qua với lão Tartuffe, suýt nữa là lão lấy hết tài sản và địa vị ông. Chúng ta không biết Orgon sau này ra sao. Chúng ta đoán là ông sẽ yêu thương Elmire nhiều hơn, vì sự khôn ngoan của vợ giúp ông thấy được sự thật về lão đạo đức giả. Nhưng chắc chắn là ông không còn độc đoán như trước nữa, vì chút xíu nữa nó dẫn đến hậu quả tệ bặc vô cùng. 

Hài kịch này diễn tả thời xưa, nhưng cũng cho ta vừa cười vừa thấy độc đoán của người có địa vị tiền bạc, người làm chủ hay làm cha làm mẹ. Người khôn khéo có thể tránh né chuyện đó. Nhưng nếu không khôn khéo, thì hy vọng rằng có được người thân như cô Elmire giúp mình thấy được sai lầm, bỏ được tính độc đoán để sống vui tươi thoải mái hơn.  Kịch về người bên Pháp lâu rồi, nhưng cũng không khác gì người thời nay, kể cả người Việt chúng ta sống bên Mỹ hay là nơi quê hương. 

Bài viết này xuất nguồn từ loạt bài “Viết Về Kinh Điển” viết trong năm học 2016-2017 cho tuần báo Việt Tide xuất bản tại Little Saigon Quận Cam. Tuần báo không còn nữa, và tôi sửa đổi một chút bên trên.