Trường ca là một thể loại quan trọng trong lịch sử văn chương thế giới. Trong thể loại này có một số tác phẩm truyền khẩu qua miệng nhiều năm, sau này mới có người viết xuống. Loại này tiếng Anh gọi là “folk-epics” tức là “anh hùng ca dân gian.” Với người Việt chúng ta, tác phẩm nổi tiếng nhất trong loại này là Tây Du Ký từ bên Trung Hoa. Từ Trung Đông và Ba Tư thì có Nghìn Lẻ Một Đêm kể qua khung cảnh văn hóa Ả Rập ngày xưa. Còn người Nhật thì có tác phẩm Truyện Kể Heike về cuộc chiến tranh giữa hai gia tộc bên Nhật vào cuối thế kỷ 12. Người Đại Hàn có bài thơ trường ca Biên Niên Sử Các Vương Đế. Còn người Thái Lan có truyện Khủn Cháng Khủn Phẻng, cũng xuất phát từ dân gian, sau này được triều đình Rama viết xuống.
Trường ca lâu đời nhất nhân loại là tác phẩm Anh Hùng Ca Gilgamesh, xuất phát từ nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) trong thời gian văn hóa Sumerian tại vùng Iraq thời nay. Vì câu chuyện nói về một đại hồng thủy to lớn, giống chuyện đại hồng thủy trong Cựu Ước Kinh Thánh của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, nên tác phẩm này có nhiều độc giả bên Tây Phương, và thường được giảng dạy tại học đường bên Mỹ. Còn nền văn minh Ấn Độ thì có hai trường ca lừng lẫy truyền khẩu qua tiếng Phạn là Mahabharata và Ramayana. Hai tác phẩm sau này gây ảnh hưởng đến văn chương các dân tộc khác, kể cả một số trường ca như Cuộc Đời Lam Ang, truyền khẩu qua tiếng Ilocano của một sắc tộc Phi Luật Tân, mà đến thế kỷ 17 có một thi sĩ mù viết xuống. Một số trường ca theo văn xuôi, nhưng đa số các tác phẩm trước thời hiện đại viết bằng thơ, nên trường ca loại này cũng được gọi là “sử thi.” Sau này, nhiều trường ca và sử thi được một tác giả sáng tạo hẳn hoi. Thí dụ điển hình là Truyện Kiều của Nguyễn Du, trường ca nổi tiếng nhất viết theo tiếng Nôm mà người Việt tạo ra qua tiếng Hán.
Truyền thống trường ca Tây Phương từ Homer tới Dante
Vai trò của trường ca loại sử thi cũng rất to lớn trong lịch sử văn chương Tây Phương. Trước khi tìm hiểu trường ca Thiên Đường Đã Mất, chúng ta nên hiểu thêm một chút về truyền thống trường ca thi sử bên Tây Phương. Chủ đề của Thiên Đường Đã Mất khác chủ đề Bài Ca Thành Illium hay Hành Trình Về Quê hay những sách khác. Nhưng TĐĐM cũng chia sẻ một số đặc tính trong truyền thống trường ca như sau.
Từ thời cổ xưa Hy Lạp, trong dân gian có kể những câu chuyện liên quan đến chiến tranh thành Troy. Các câu chuyện này được kể theo truyền thuyết và thần thoại Hy Lạp, rồi được các nhà thơ tạo ra làm các bài trường ca kể về chuyện ba nữ thần cãi nhau, làm liên quan đến con người dẫn đến một hoàng tử thành Troy đi lấy cắp hay dụ dỗ được người phụ nữ đẹp nhất thế giới tên Helen, vợ một trong những vua vùng Hy Lạp bấy giờ. Vua và các đồng minh mới đem quân đến bao vây thành Troy bắt họ trả lại người đẹp Helen. Nhưng người thành Troy – tiếng Anh gọi họ là người Trojan – trung thành với hoàng tử, không chịu trả lại Helen. Cuộc chiến bắt đầu dữ dội, và kéo dài với nhiều tình tiết ly cấn, người Trojan dù yếu hơn về quân sự nhưng vẫn dũng cảm chống lại người Hy Lạp. Nhưng cuối cùng thì người Trojan thua chiến, và từ trên xuống dưới họ bị người Hy Lạp giết hại hay mang về làm nô lệ hay làm vợ. Một số ít thoát được, phải phiêu lưu trên biển đi qua các xứ sở xa lạ khác, cuối cùng mới đến bờ biển Ý để sinh sống, tới bao đời sau thì con cháu cho dựng ra thành phố La Mã.
Đó là truyền thuyết được thần thoại hóa từ xa xưa, rồi các kịch gia sau này soạn ra kịch, các thi sĩ làm ra trường ca. Người Trojan tuy thua nhưng vẫn được coi như anh hùng vì dũng cảm chiến đấu. Nên truyền thống vẫn đánh giá họ cao, và tới bây giờ, một số trường trung học và đại học ở Mỹ lấy tên “the Trojans” đệm cho các đội thể thao trường mình. Nổi tiếng nhất là trường University of Southern California (USC) tại Los Angeles, và báo chí thường gọi là “USC Trojans.”
Trở lại ngày xưa, thi sĩ kể chuyện chiến tranh thành Troy hay nhất là ông Homer. Chi tiết cuộc đời ông ít lắm, ngay cả thời gian ông sống cũng không ai chắc được, chỉ biết ít nhất là sáu thế kỷ trước Công Nguyên. Mà cũng có thể Homer không phải là một người, mà là nhiều thi sĩ, như một số học giả từng cho ra giả thuyết.
Một hay nhiều tác giả, Homer được công nhận là tác giả của hay trường ca thi sử đầu tiên của Tây Phương. Trường ca thứ nhất có tên là Iliad, dịch qua tiếng Việt là Bài Ca Thành Illium. (“Illium” là một tên khác của thành Troy.) Trường ca này kể về cuộc chiến nói bên trên. Trường ca kế gọi là Odessey – có thể dịch thoáng nghĩa là Hành Trình Về Quê – nói về hành trình trở lại xứ sở của một nhân vật Hy Lạp sau khi chiến tranh chấm dứt. Hai trường ca này rất phổ thông trong học đường Hoa Kỳ, nhất là tại đại học bốn năm, nhưng cũng có trong chương trình một số lớp trung học.
Tới thời La Mã, nhiều thi sĩ viết xuống trường ca, nhưng dựa theo truyền thuyết thôi chứ không phải truyện kể dân gian. Nổi tiếng nhất trong các trường ca thời này là hai câu chuyện khá khác nhau của hai thi sĩ cùng thời. Thứ nhất là chuyện Aeneid của thi sĩ Virgil, xin dịch là Anh Hùng Ca Chàng Aeneas. Câu chuyện mở đầu về thất thủ thành Troy, với một nhân vật phụ trong Bài Ca Thành Ilium bây giờ trở nên nhân vật chính. Mẹ Aeneas đã chết, thành phố bị quân đội Hy Lạp hủy hoại, chàng cõng bố và đem một số quân lính lên tàu tìm đường kiếm xứ sở khác. Cuộc phiêu lưu trên biển có nhiều khổ đau, hao hao như người Việt thành thuyền nhân tỵ nạn ba bốn thập niên qua, mãi sau này mới đến chốn Ý Đại Lợi, nơi mà tiên tri có nói con cháu chàng mai này sẽ dựng lên thành rồi cho đến Đế Quốc La Mã.
Còn trường ca thứ hai trong văn chương La Mã là bản Metamorphosis của thi sĩ Ovid, xin dịch là Biến Hành. Trường ca này giống tác phẩm Homer và Virgil về chiều dài cũng như nội dung dựa trên thần thoại từ văn hóa cổ Hy Lạp. Nhưng bên trong, tác giả áp dụng một số kỹ thuật văn chương khác trước. Có đoạn thì như loại thơ ta thán, có đoạn viết theo loại bi kịch, có đoạn viết theo thể thơ ca ngợi đời sống đồng quê. Nghĩa là Ovid dùng nhiều lối hành thơ, hợp với đề tài biến hóa chứ không phải lúc nào cũng y như vậy. Về chủ đề, Ovid cũng khác với các trường ca trước vì ông viết về lịch sử từ thời các thần đến Đế Quốc La Mã. Trong lịch sử có nhiều biến chuyển nhiều cá nhân các thần cũng như con người, mà chẳng phải biến chuyển nào cũng tốt. Ngay cả tình yêu cũng có nhiều rắc rối, hay gây ra hư hại, tàn phá, mất mát. Cuối cùng, trường ca Biến Hành nhạo báng các thần thánh trong truyền thống Hy Lạp và La Mã. Ovid có viết nhiều thơ theo lối nhạo báng trước trường ca này, và Biến Hành tiếp tục lối trào phúng đó.
Khi tới thời kỳ Thiên Chúa Giáo, truyền thống trường ca quá sâu đậm trong văn hóa và văn chương Tây Phương. Nhất là trong thời đại Trung Cổ. Nhưng lúc này thì không còn thần thánh Hy Lạp hay La Mã nữa, mà đi theo hai lối khác. Thứ nhất là dựa theo truyền thuyết địa phương, một số thi sĩ sáng tác những thi sử về người anh hùng trong chuyện kể lâu nay. Thứ nhì, là họ viết trong tiếng địa phương mình, chứ không theo tiếng La Mã.
Tại vùng Bắc Âu, nơi nước Thụy Điển bây giờ, có chuyện về người anh hùng tên Beowulf, gốc một bộ lạc người Đức xưa, với ba trận đánh. Trong trận đầu, anh giúp ông vương quốc nhỏ bé của người Đan Mạnh giết một ác thú ghê gớm. Mẹ ác thú này báo thù cho con, anh cũng giết được luôn, rồi về bộ lạc mình làm vua. Năm mươi năm sau, vua Beowulf lại chiến đấu lại một con rồng. (Khác với văn hóa Trung Hoa coi rồng là tốt, văn hóa Tây Phương ngày xưa coi rồng là ác, là xấu.) Nhưng giết được rồng, Beowulf cũng bị thương nặng mà chết. Câu chuyện lưu lạc sao xuống tới đất Anh, và một tác giả vẫn không biết tên viết thành Anh Hùng Ca Beowulf. Với gần 3200 câu thơ, trường ca này dùng tiếng Anh cổ, và cũng là tác phẩm quan trọng đầu tiên trong văn chương tiếng Anh.
Còn bên văn chương tiếng Pháp, thì tác phẩm quan trọng lớn nhất là Trường Ca Người Hùng Roland. Bản trường ca này được sáng tác trong thế kỷ 11, sau Beowulf chắc vài chục năm thôi, và cũng không rõ tác giả là ai. Câu chuyện Roland dựa vào lịch sử thánh chiến giữa các quân đội Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo hồi thế kỷ thứ 8. Từ thế kỷ 11 đến 13, các thi sĩ vùng Pháp sáng tạo nhiều bài thơ về đề tài thánh chiến này, mà Người Hùng Roland được coi là trường ca thành công nhất. Cũng như phần lớn trường ca nổi tiếng thời đó, Người Hùng Roland được truyền miệng qua nhiều năm, rồi mới có tác giả viết xuống.
Khác với truyện về Beowulf, trường ca Roland nói về người anh hùng đối chọi với kẻ thù con người chứ không phải chống chỏi lại quái vật hay thiên nhiên. Ngoài ra, khác biệt tôn giáo là một chủ đề to tát lúc này, nhất là vị trị và suy tưởng về Thiên Chúa Giáo. Trong truyện, Roland cũng chết lúc cuối như Beowulf, nhưng vì lý tưởng Thiên Chúa Giáo. Dựa sơ sơ vào một nhân vật lịch sử có thật, trường ca Roland sáng tạo công chuyện theo sáng tạo của tác giả, mà vẫn được dậy tại học đường ngày nay.
Nhưng không trường ca nào vào thời Trung Cổ tiếng tăm bằng đại tác phẩm của thi sĩ Dante vào thế kỷ 14. Tên là Divine Comedy và được dịch ra tiếng Việt là Thần Khúc, tác phẩm chia ra ba phần là Hỏa Ngục, Luyện Ngục, và Thiên Đường
Trong Cận Đại, chúng ta có thể chia ra thêm thời kỳ sơ kỳ Cận Đại và thời kỳ trung kỳ Cận Đại: tiếng Anh là “early modern period” và “late modern period.” Sơ kỳ Cận Đại là thời kỳ từ chừng cuối thế kỷ thứ 15 đến khoảng cuối thế kỹ thứ 18. Trong ba thế kỷ này, Châu Âu có nhiều biến chuyển to lớn về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, và khoa học. Về kinh tế thì thời đại này bắt đầu với Christopher Columbus và các nhà thám hiểm khác, dẫn đến người Âu đi qua xứ sở khác khai thác, rồi sau đó thuộc địa hóa hai châu Bắc và Nam Mỹ. Đó là một lý do làm Âu Châu hùng mạnh trong thời kỳ Cận Đại sau này, thuộc địa hóa Châu Phi và Châu Á, kể cả nước Anh thuộc địa hóa Mã Lai và nước Pháp tại Việt Nam mà chúng ta đã rành.
Nhưng không phải có đều êm ấm. Về tôn giáo và chính trị, chẳng hạn, những hiện tượng cải cách Thiên Chúa Giáo trong thế kỷ thứ 16 gây ra chia rẽ trầm trọng giữa giáo hội Công Giáo và các giáo phái Tin Lành. Một hậu quả to tác là các vua chúa Âu Châu ủng hộ bên này hay bên kia, gây ra nhiều giao tranh với nhau, nhất là cuộc chiến ba mươi năm mà tiếng Anh gọi là “the Thirty Years War,” làm chết tróc khoảng tám triệu người Âu. Còn về văn hóa thì có nhiều ý tưởng thay đổi lối nhìn về xã hội và con người. Nếu chủ nghĩa tư bản có đà đi lên trong thời gian sơ kỳ Cận Đại trong kinh tế, thì tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân hiện đại cũng bắt nguồn từ lúc này, được nhiều tác giả triết học và văn học giới thiệu, khai thác, và khai phóng.
Milton và khung cảnh thế kỷ 17
Trong khung cảnh này, đại thi sĩ người Anh John Milton sáng tác trường ca Thiên Đường Đã Mất vào giữa thế kỷ thứ 17. Ông là người tín đồ Thanh Giáo, dịch từ chữ “Puritan,” là một giáo phái Tin Lành không những chống lại Công Giáo mà còn đả kích kịch liệt giáo hội Anh Giáo, tức là giáo hội chính thức của nước Anh mà người đứng đầu là vua hay hoàng hậu. Tín đồ Thanh Giáo coi Anh Giáo vẫn là bảo thủ, mặc dù ly khai ra giáo hội Công Giáo nhưng vẫn còn giám mục, linh mục, và hàng giáo phẩm, vẫn còn nghi lễ rùng rình, vẫn còn các bí tích họ coi không đúng theo Kinh Thánh. Phần lớn họ xuất thân từ tầng lớp thương thuyền, thợ thuyền, hay nông phu, chứ không từ tầng lớp quý tộc. Nên tín đồ Thanh Giáo có tư tưởng phản lại giai cấp và chống lại vua chúa. Họ phê bình chế độ quân chủ và, ngược lại, ủng hộ chính trị theo lối cộng hòa. Vào đầu thế kỷ 17, một số người Thanh Giáo di cư qua Bắc Mỹ và định cư tại vùng Tân Anh, tức New England, nhất là tại tiểu bang Massachusetts bây giờ. Họ gây dựng đời sống và xã hội theo lý tưởng Thanh Giáo vùng này, làm ra một tiểu văn hóa đặc thù cho lịch sử nước Mỹ.
Thi sĩ Milton thì không qua Mỹ mà ở nước Anh đến chết. Xinh vào cuối năm 1608, ông lớn lên trong gia đình Tin Lành và được giáo dục tại gia, tại trường Thánh Phao Lô có tiếng tại Luân Đôn, rồi lên đại học tại Christ’s College, một trong những trường bên trong đại học Cambridge. Milton vào đại học trong thời kỳ ảnh hưởng giáo phái Thanh Giáo rất cao tại Christ’s College. Sau khi ra trường, ông in một ít thơ cũng như luận văn, rồi làm một chuyến chu du lục địa Âu Châu, gặp gỡ nhiều nhân vật quan trong tại Pháp và Ý. Tài năng ngôn ngữ của ông rất cao, nhất là viết tiếng La Tinh, và ông có nhiều người ái mộ, kể cả một số nhân vật Công Giáo tại các thành phố bên Ý. Ông tính đi qua thăm Hy Lạp, nhưng trở về quê vì tình hình chính trị gây ra cuộc Nội Chiến Nước Anh.
Nhờ gia tài bố ông để lại, Milton ông không phải kiếm việc nhưng cũng dậy tư nhân một thời gian. Nhưng quan trọng nhất là viết lách. Milton in nhiều bài luận văn về chính trị. Ngắn hơn chiến tranh Việt Nam, Nội Chiến Nước Anh có chín năm thôi chứ không dài ba thập niên. Nếu Việt Nam có cuộc chiến giữa ha phe Quốc Gia và Cộng Sản, thì chiến tranh nước Anh là chiến đấu giữa phe Quốc Hội và phe Bảo Hoàng. Một bên muốn đổi qua chế độ cộng hòa; một bên muốn giữ lại chế độ quân sự. Milton ủng hộ phe Quốc Hội. Tới năm 1649, tức là năm thủ lãnh phe Quốc Hội Oliver Cromwell lập ra chế độ cộng hòa tại Anh, Milton được phe Quốc Hội cử vào một chức vụ đứng đầu cho việc tuyên truyền của chính phủ cộng hòa.
Đó là đời sống bên ngoài, kéo Milton sâu vào tư tưởng cấp tiến, đả kích chế độ quân chủ và đề cao chế độ dân chủ lối cộng hòa. Tư tưởng tiến bộ này thể hiện lối nhìn hướng về cá nhân con người. Nhưng cũng có chuyện về đời tư làm ông đề cao cá nhân. Số là vợ đầu của Milton bỏ ông đi, làm ông muốn có ly dị nhưng luật nước Anh lúc bấy giờ rất khắt khe về ly dị. Khắt khe này cũng là một lý do để chỉ trích giáo hội Anh Giáo, vì luật ly dị Anh Giáo lúc này không khác gì luật ly dị Công Giáo. Milton viết vài bài luận, dùng Kinh Thánh, thần học, và triết học để ủng hộ cho ly dị dễ dàng hơn. Sau này, vợ ông trở về sống với ông, nên Milton không có ly dị. Nhưng chuyện này thành một thúc đẩy làm ông phong khoáng tư tưởng tự do hơn. Đến gần cuối thập niên 1650, ông bắt đầu viết chuyện, thì tư tưởng này đã sâu đậm trong tâm hồn ông.
Cá nhân hóa trong Thiên Đường Đã Mất
Ý tưởng tiến bộ của Milton nói trên rất ư quan trọng trước khi đọc trường ca Thiên Đường Đã Mất. Câu chuyện trường ca không có gì lạ cả, vì tác giả dùng câu chuyện trong Kinh Thánh về ông Adong và và Evà thôi. Nghĩa là dựa theo sách Sáng Thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa tạo ra trời đất và muôn vật trong sáu ngày, rồi ngày thứ bảy (tức Chủ Nhật) thì Chúa nghỉ. Chúa cho ông Adong quyền đặt tên cho các loài vật, rồi cho ông một người bạn vì “con người ở một mình không tốt,” và hay người sống trong vườn địa đàng tên gọi Eden. Đời sống con người trong vườn địa đàng sung sướng, hạnh phúc, và Chúa chỉ cấm họ không được hái trái trên một Cây Trường Sinh ở giữa vườn mà ăn. Nhưng một ngày nào đó có con rắt đến cám dỗ bà Evà, nói là ăn trái sẽ làm ông bà trường sinh và có hiểu biết như Chúa vậy. Bà ăn, rồi nói Adong ăn theo. Vì trái lời Thiên Chúa, hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn, sống nơi trần thế hơn, vất vả hơn, và còn có tội tổ tiên cho con cháu và loài người sau này.
Milton dùng câu chuyện này làm căn bản cho trường ca của ông. Ngược lại, ông lại không cho Adong và Evà là nhân vật chính. Ngay cả Chúa Cha và Chúa Con cũng chỉ là phụ thôi. Đó là vì nhân vật quan trọng nhất trường ca là… quỷ Sa Tăng. Đây là sáng tạo rất cá tính của Milton, gần như không có trong nền văn học Tây Phương trước thế kỷ thứ 17.
Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước có một số đoạn văn nhắc đến quỷ Sa Tăng, tên có nghĩa nguồn là “đối thủ” hay “kẻ thù.” Có đoạn nói Sa Tăng là kẻ chống lại dân Do Thái. Có đoạn nói là Sa Tăng thách Chúa Cha thử lòng người công chính có tên Job. Có đoạn nói quỷ thử thách Chúa Giê Su khi người tĩnh tâm trong xa mạc. Với Milton, quan trọng nhất là đoạn chuyện kể trong sách Khải Huyền, tức là quyển cuối cùng trong Kinh Thánh, nói về một cuộc chiến trên thiên đàng, một bên là các thiên thành phản bội Chúa, một bên là các thiên thần trung thành. Tất nhiên là bên trung thành thắng vì họ có Chúa, và Sa Tăng và các thiên thần phải bội bị tống cổ ra khỏi thiên đàng đi xuống hỏa ngục.
Milton ghép hai câu chuyện căn bản này – Sa Tăng một bên và Adong và Evà một bên – rồi sáng tác kiệt phẩm trường ca. Câu chuyện chia ra mười hai hồi, và bắt đầu với Sa Tăng và các quân binh của hắn đang nơi hỏa ngục. Dù xa cơ thất thế, bị đầy tuốt xuống hỏa ngục, Sa Tăng vẫn nhất quyết ý chí chống lại Thiên Chúa. Đề tài câu chuyện là bất vâng: câu thơ đầu tiên trong trường ca có chữ “disobedience.” Nhưng bất vâng ra sao? Chống Chúa như thế nào?
Beelzabub, một cánh tay đắc lực và quỷ tay sai của Sa Tăng, nói với bề trên của hắn là hình như mới đây, Thiên Chúa có sáng tạo ra một thế giới mới và một loại sáng tạo mới, không phải thiên thần mà có tên là con người. Chúng ta có nên kiếm cách đột nhập vào thế giới mới này và tìm cách phá hoại loài người không? Lời đề nghị làm Sa Tăng bừng sáng, nhất quyết đi kiếm thế giới này để phá hủy hay ít nhất gây ra tổn thương. Quyết định xong, Sa Tăng gọi tất cả các quỷ trong hỏa ngục lại một hội nghị, vừa được chúng tung hô, vừa có cơ hội kêu gọi chúng nhất quyết như hắn, không bao giờ phục tùng Thiên Chúa.
Sau khi các quỷ ủng hộ, Sa Tăng rời dinh bay ra ngoài hỏa ngục đi kiếm trái đất. Hỏa ngục có nhiều cổng, và coi cổng có hai mẹ con tên là Tội Lỗi và Cái Chết. Khi nói chuyện với họ, Sa Tăng mới nhớ là cô Tội Lỗi là chính từ đầu hắn xinh ra, rồi hắn hãm hiếp, cô xinh ra con trai là Cái Chết. Sa Tăng yêu cầu họ mở cửa, và hứa với họ là sau khi thành công, hắn sẽ cho họ cơ hội sống trên trái đất, tự do bành trướng, chứ không phải ở nơi đen tối gác cổng hỏa ngục. Sau khi ra hỏa ngục, Sa Tăng bay trong vũ trụ đen tối khó khăn. Nhưng cũng có chút giúp đỡ từ một số nhân vật phụ sống ngoài hỏa ngục như Hỗn Loạn và Đêm Tối, cuối cùng hắn thấy được trái đất và đến nơi.
Tới trái đất, Sa Tăng kiếm cách trốn thiên thần coi vườn địa đàng, luồn được vào bên trong. Câu chuyện chuyển qua Adong và Evà, kể về đời sống luôn bên thiên nhiên của hai người. Adong thì có nhiều tò mò muốn biết nhiều thứ. Evà thì không tò mò như thế, nhưng thể hiện một ít cảm tưởng là bà muốn độc lập hơn. Cả hai đều có đặc tính, nhưng đọc kỹ thì ta thấy Milton diễn tả Evà như một nhân vật hao hao giống Sa Tăng trong bất vâng, vì cả hai muốn độc lập chứ không lệ thuộc. Ngoài ra, Milton bỏ nhiều đoạn diễn tả cái đẹp của vườn Eden, nơi người và vật sống hạnh phúc với nhau. Adong và Evà lúc thì cầu nguyện ca tụng Chúa, lúc thì làm việc cho vườn sạch sẽ, lúc thì ăn uống những cây trái ngon trong vườn, lúc thì tâm sự với sau.
Câu chuyện cũng nói về Chúa Cha và Chúa Con trên thiên đàng. Một mặt, Chúa Cha gởi thiên thần Raphael xuống vườn Eden nhắc Adong và Evà nhớ đừng quên lời cấm ăn từ cây Trường Sinh. Thiên thần thăm hai ông bà, ăn uống với họ, rồi còn kể về chuyện hồi trước Sa Tăng ghen với Chúa Con gây ra nổi loạn trên thiên đàng, nhưng thua các thiên thần và Chúa Con. Raphael cũng kể Chúa tạo ra vũ trụ, trái đất, và các loại động vật và thực vật thế nào, kể cả con người Adong rồi sau đó Evà từ xương sườn Adong ra.
Mặt kia, Chúa Cha biết là hai người sẽ không giữ lời hứa, nên hỏi Chúa Con và các thiên thần chúng ta phải làm gì? Chúa Con mới đứng lên, nói là con sẽ xuống thế làm người, để chuộc lại tội lỗi cho nhân thế. Chúa Cha rất hài lòng khi nghe vậy, và các thiên thần và quần thần trên thiên đàng ca vang khen gợi người.
Ngược lại, trong vườn địa đàng Sa Tăng kiếm cách đến gần Evà, vì hắn thấy là bà có ý tưởng khác hơn Adong. Đúng thế, một sáng đó Evà đề nghị với Adong là hai người hôm nay nên dọn dẹp riêng ở hai nơi, vì như vậy công việc nhanh chóng hơn. Adong lưỡng lự vì ông không thích cô đơn, nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Evà làm gần Cây Trường Sinh, và đúng như Sa Tăng hy vọng, hắn giả làm con rắt bò đến dụ dỗ Evà.
Kết cục câu chuyện thì ai cũng biết. Sa Tăng thành công cám dỗ loài người. Evà ăn trái cấm rồi mang đến Adong. Ông thì lưỡng lự nhưng cuối cùng cũng ăn. Sau đó hai người ân hận, khóc lóc, và Evà còn đề nghị hay chúng ta tự giết nhau. Họ không tự tử, nhưng khóc với nhau và cầu nguyện xin Chúa tha thứ. Họ bị đuổi ra khỏi vườn Eden, nhưng cũng được lời hứa là Chúa Con sẽ chuộc tội loài người trong lịch sử sẽ đến. Còn Sa Tăng thì bị Chúa phạt làm rắt trong hỏa ngục mãi mãi. Nhưng ngược lại, Tội Lỗi và Cái Chết theo chân Sa Tăng xây đường từ hỏa ngục đến trái đất, nên Sa Tăng dù thua cũng có điều thành công.
Tại sao Sa Tăng là nhân vật chính?
Một lý do là Milton diễn tả hắn như một anh hùng trong các trường ca nổi tiếng xưa, nên người nào hiểu biết trường ca Tây Phương đều dễ dàng thấy được hắn là nhân vật quan trọng như Achilles hay Hector trong trường cacủa thi sĩ Hy Lạp Homer, hay Aeneas trong trường ca của thi sĩ La Mã Virgil.
Một lý do thứ hai là anh hùng Sa Tăng khác các anh hùng trước đó về cá nhân tính. Các anh hùng xưa thì đi theo một quy củ xã hội hay chính trị, hay một hệ thống đạo đức nào đó. Họ thành anh hùng theo định nghĩa của xã hội họ, của hệ thống đạo đức của họ. Hector là anh vùng vì thành Troy của anh bị tấn công, vì nhiệm vụ anh là hoàng tử nên phải ra tay giúp dân. Aeneas là anh hùng vì anh có nhiệm vụ cứu cha và dẫn một số người sống sót sau chiến tranh đi vùng khác. Anh hùng tính trong thế giới cổ điển nối liền với xã hội và đạo đức địa phương.
Sa Tăng thì ngược lại là anh hùng thời cận đại hay hiện đại, chứ không còn trong thế giới cổ điển nữa. Là một thiên thần quan trọng nhất – theo truyền thống thì tên nguyên thủy hắn là Lucifer, nghĩa là “kẻ mang đèn” hay “thiên thần ánh sáng.” Nhưng hắn vươn lên không phải vì bị tấn công hay vì nhiệm vụ, mà là vì hắn không thể chấp nhận quy củ trên dưới ở trên thiên đàng. Nói cách khác, Sa Tăng xem thiên đàng là một nơi tù túng cho nô lệ, không có tự do.
Ý tưởng độc lập tự do của Sa Tăng trong trường ca Milton còn mới mẻ trong thế kỷ thứ 17. Qua thế kỷ 18, ý tưởng được phổ thông hơn qua các sách triết học và chính trị học, cũng như các tiểu thuyết Âu Châu. Trong tiểu thuyết Robinson Crusoe của văn hào Defoe, chẳng hạn, nhân vật chính bị đắm tàu, rơi vào một đảo hoang, sống một mình. Hoàn cảnh bắt anh hoàn toàn tự lập, dùng đầu óc và tay chân mình, tạo ra một cơ nghiệp đáng kể trên đảo hoang. Đó là thể hiện và ca ngợi cho tư tưởng cá nhân hóa của thời cận đại trong lịch sử Tây Phương.
Nhưng trước Robinson Crusoe, Milton đã dùng vài câu chuyện có ngàn năm để tạo ra một trường ca bất hủ thể hiện tư tưởng mới mẻ này. Nếu chúng ta ngưỡng mộ anh hùng tính của các nhân vật trường ca thời Cổ Điển và thời Trung Cổ, chúng ta hiểu được về chúng ta là ai qua nhân vật Sa Tăng của Milton. Đó là một lý do chính mà tác phẩm Thiên Đường Đã Mất vẫn rất phổ thông trong học đường bây giờ.
Bài viết này xuất nguồn từ loạt bài “Viết Về Kinh Điển” viết trong năm học 2016-2017 cho tuần báo Việt Tide xuất bản tại Little Saigon Quận Cam. Tuần báo không còn nữa, và tôi sửa đổi một chút bên trên.

Leave a Reply