Dịch tiếng Anh qua tiếng Việt lúc dễ lúc khó, mà khó nhiều hơn dễ. Dịch tiếng Việt ra tiếng Anh cũng vậy. Mà không chỉ dịch văn chương, triết lý, thần học; ngay cả dịch những câu ngăn ngắn cũng có lúc trắc trở. Khó nhất là tục ngữ, thường là không dịch sát được.

Ngôn ngữ có nhiều khía cạnh, nhiều lựa chọn, nhiều rắc rối. Nhiều từ ngữ có hơn một nghĩa. Tiếng Anh có nhiều từ hơn, nên nhiều lúc có nhiều lựa chọn. Rồi ý nghĩa có ý rõ nhưng cũng có hàm ý. Lối dịch không chỉ có một. Rồi phải coi ý nghĩa có hợp với bối cảnh và khung cảnh lời viết không.
Dưới đây là một thí dụ nhỏ bé. Nhưng xin dài dòng một chút, xin tỉ mỉ đi qua, để thể hiện phức tạp của dịch thuật.
Vấn đề chính trị lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là vụ cá biển chết, biểu tình, và phản ứng của chính quyền cộng sản. Chắc câu nói phổ thông nhất ở Việt Nam hiện nay là: Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch. Bạn dịch làm sao?
Lời dịch phổ thông là: Fish need clean water, people need transparency. Lời dịch này xuất hiện nhiều trên mạng: ở Facebook và ngay cả báo chí như bài viết cho The Diplomat có câu sau:
In Hanoi, hundreds gathered near the Hanoi Opera House, holding signs that said: “Fish need clean water, people need transparency” and “Formosa, stop poisoning the sea.”
Dịch dài hay ngắn cũng nên nhìn ít nhất ba lần. Nhìn lần đầu, ta thấy dịch không khó. Nhìn lần hai, ta thấy dịch không sai. Nhìn lần ba, ta thấy dịch chưa đầy đủ ý tiếng Việt.
Tại sao? Tại vì câu nói có hai phần. Lời dịch phần đầu không có vấn đề gì. Nhưng phần sau dù không sai nhưng chưa hoàn hảo ý nghĩa.
Cá cần nước sạch. Không phải lúc nào dịch sát nghĩa cũng là đúng hay là tốt. Nhưng lời dịch fish need clean water khá ổn vì không có lựa chọn gì khác về các từ trong câu.
Trong tiếng Việt, chữ cá là từ phổ thông duy nhất cho những động vật dưới nước thở bằng mang và bơi bằng vi. Trong tiếng Anh, fish cũng là danh từ phổ thông duy nhất. Chữ nước cũng thế: không có lựa chọn gì ngoài water.
Hai chữ bên trong thì rắc rối hơn chút xíu. Dịch chữ cần ta có vài tĩnh từ tiếng Anh: need, require, demand, necessitate, v.v. Nhưng chỉ có need và require là thích hợp, mà need phổ thông hơn nhiều trong đàm thoại hàng ngày: tương tự như người Việt dùng chữ cần nhiều hơn đòi hỏi.
Chữ sạch thì rắc rối chút xíu vì Anh văn có nhiều từ: clean, spotless, immaculate, sanitary, v.v. Nhưng chữ clean có dùng nhiều nhất trong đàm thoại và liên lạc hàng ngày. Ngoài ra, không ai nói “spotless water” hay “immaculate water” cả. Ngay “sanitary water” cũng ít khi dùng. Clean water là lựa chọn duy nhất.
Tóm lại: Fish need clean water không chỉ chính sác mà còn gọn gàng.
Dân cần minh bạch thì sao? Phần này phức tạp hơn phần trên một ít.
Xin bắt đầu với minh bạch gốc nguồn từ tiếng Hoa: minh là “sạch” và bạch là “trắng.” Trong tiếng Việt thôi, minh bạch có nghiều nghĩa: rõ ràng, trong sạch, rành mạch, công khai… Mà không hai nghĩa nào giống hẳn nhau.
Từ này không phổ thông cho lắm sau 1975. Nhưng nó xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây, mà phần lớn cách dùng liên quan đến kinh tế và chính quyền. Một thí dụ:
“Nâng cao minh bạch trong quản lý đất đai là một vấn đề then chốt tại Việt Nam, nhằm sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.
Trong tiếng Anh cũng thế: transparency, accountability, openness, và communication là bốn thí dụ, mà từ nào cũng áp dụng được cho minh bạch. Nhưng trong khung cảnh cá chết và biểu tình, thì từ transparency tốt nhất vì nó thường được dùng trong chính trị và kinh doanh.
Còn dân có thể là người dân, nhân dân, hay dân chúng: people hoặc là the masses. Nhưng từ này cũng có nghĩa là công dân: citizens. Dịch là people cũng được, nhưng không phản ảnh được ý nghĩa và khung cảnh chính trị, nhất là dính líu đến chính quyền Việt Nam.
Đề tài biểu tình thay đổi tùy năm và nơi: dân oan, bauxite, Hoàng Sa, chặt cây ở Hà Nội, cá chết. Nhưng khía cạnh chính trị lúc nào cũng có, nhất là hướng về chính quyền cộng sản. Dịch theo nghĩa công dân chính sác hơn là dân chúng: Citizens hơn là people.
Cuối cùng: Fish need clean water; citizens need transparency.
So sách với lời dịch đầu, lời dịch này chỉ khác một chữ. Nhưng ý nghĩa chính trị của nó cao hơn lời dịch trước.
Kết luận: Dịch thuật cần trình độ thông thạo cả hai ngôn ngữ ngang ngang như nhau. Điều này không dễ, vì hầu hết những người dịch lớn lên với một ngôn ngữ thôi, rồi qua một tuổi nào đó mới học ngôn ngữ thứ hai. Vì thế, không những kinh nghiệm và hiểu biết rất quan trọng, mà cần cẩn thận nữa. Nên cần cẩn thận khi dịch ngay cả những biểu ngữ biểu tình ngăn ngắn.

Tôi có thấy một tấm hình hai linh mục Công Giáo cầm biểu ngữ với hàng chữ:
Chúng tôi cần một môi trường trong sạch.
Chúng tôi đòi một chế độ minh bạch.
Chúng ta có thể dịch là:
We need a clean environment.
We demand a transparent government.
Không tệ. Nhưng thay đổi vị trí sẽ hùng hậu hóa lời dịch một chút:
A clean environment we need.
A transparent government we demand.
Tại sao? Là vì tiếng Việt không nói “Một môi trường trong sạch chúng tôi cần”: nghe rất chướng tai. Nhưng tiếng Anh (và vài ngôn ngữ khác) cho phép nói như vậy, gọi là OSV: object-subject-verb.
Leave a Reply